Doanh nghiệp xây dựng đang có sự chuyển hướng để thích ứng với trạng thái

Doanh nghiệp xây dựng đang có sự chuyển hướng để thích ứng với trạng thái "bình thường mới" hậu COVID-19

Bước sang tháng 6, giai đoạn khó khăn nhất do tác động của COVID-19 đã dần trôi qua, các doanh nghiệp xây dựng đang từng bước hồi phục trở lại toàn bộ hoạt động. 

Sự hồi phục mạnh mẽ

Vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19, những ông lớn trong ngành như Coteccons, Hòa Bình, Delta, Ricons, FECON… đều ghi nhận sự giụt giảm trong kết quả kinh doanh quý I/2020 và dần hồi phục trong các tháng 4 và 5.

Đối với Coteccons, những khó khăn từ ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 đã khiến kết quả kinh doanh của đơn vị này giảm đi rõ rệt khi báo cáo tài chính Quý I ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I đạt 123 tỷ đồng. Kéo theo đó, thị giá của cổ phiếu CTD cũng giảm gần 15% trong quý I/2020 từ mức 52.800đ/CP xuống 44.950đ/CP. Tuy nhiên, trong hai tháng 4 và 5, cố phiếu CTD đã có sự hồi phục mạnh mẽ về mức giá 76.000đ/CP vào phiên cuối cùng của tháng 5.

Theo ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Coteccons, vừa qua các hoạt động kinh doanh tuy giảm so với cùng kỳ các năm trước đây nhưng đây cũng là một nỗ lực lớn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. "Để giữ vững vị thế doanh nghiệp đầu ngành, điều cần làm hiện nay CTD sẽ tập trung mạnh vào mảng xây dựng dân dụng, tránh mất khách hàng cho các đơn vị như HBC, Delta hay kể cả công ty anh em Ricons" - ông Dương cho biết.

Một ông lớn khác trong ngành xây dựng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa qua cũng đối diện với nhiều khó khăn khi các yếu tố khách quan như đại dịch, tiến độ xây dựng, môi trường pháp lý hay yếu tố lạm phát đang ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết thúc quý I/2020, HBC chỉ ghi nhận mức lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ đây là kết quả của sự nỗ lực hết sức của HBC trong thời điểm vô cùng khó khăn vừa qua. "Trong năm 2020, Tập đoàn cải cách và đổi mới trên diện rộng, tập trung cải thiện hoạt động kinh doanh, tinh gọn bộ máy cán bộ nhân sự, cải thiện tiến độ thi công các công trình giai đoạn bình thường hậu COVID-19" - ông Hải cho biết.

Trên thị trường chứng khoán, trong quý I/2020, mã chứng khoán HBC đã bay mất đến 47% thị giá khi đi từ mức 11.400đ/CP xuống 6.200đ/CP. Tuy nhiên, trong 2 tháng 4, 5, cổ phiếu HBC cũng đã chứng kiến sự hồi phục hết sức mạnh mẽ đến trên 47%, từ mức 6.200đ/CP lên 8.870đ/CP khi kết phiên tháng 5.

Không nằm ngoài xu hướng vận động và đổi mới theo nhịp đập thị trường, Công ty CP FECON (mã FCN) đã có những chuẩn bị vững chắc để triển khai chiến lược mới 2020 - 2025 với mục tiêu trở thành nhà thầu xây dựng công nghiệp và hạ tầng hàng đầu Việt Nam và nhà đầu tư dự án uy tín theo chuẩn quốc tế dựa trên năng lực xuất sắc về nền, móng và công trình ngầm.

Kết thúc quý I/2020, FCN ghi nhận lãi sau thuế chưa phân phối ở mức 12,1 tỷ đồng. Theo đó, thị giá của cổ phiếu FCN trên sàn chứng khoán cũng giảm đến 1/3 thị giá từ mức 10.100đ/CP xuống mức 6.790đ/CP. Tuy nhiên, trong hai tháng 4, 5 cổ phiếu FCN đã có cú bứt phá ngoạn mục khi kết phiên tháng 5 đã tăng đến 35,1% lên mức 9.180 so với mức giá cuối tháng 3/2020.

Hiệu ứng từ sự chuyển hướng

Có được những sự hồi phục mạnh mẽ trên, bên cạnh việc tái khởi động của nền kinh tế hậu COVID-19 thì cũng phải kể đến hiệu ứng từ những sự chuyển hướng kịp thời, táo bạo của doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp của FECON, vốn được biết đến là một doanh nghiệp có thế mạnh về nền móng và công trình ngầm thì thời gian qua đã có những sự chuyển hướng dựa vào thế mạnh sẵn có của mình.

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc FECON cho biết, vừa qua doanh nghiệp đã tập trung mạnh vào lĩnh vực xây dựng công nghiệp và đầu tư dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Cho đến thời điểm này, bên cạnh việc tham gia các dự án lớn như Hóa Dầu Long Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhiệt điện Vân Phong 1, Tổ hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất, đến nay FECON đã thi công hoàn thành 4 dự án điện mặt trời, trúng thầu 4 dự án điện gió. 

Đặc biệt, theo thông tin từ ông Thanh thì sắp tới FECON đang chuẩn bị tham gia đầu tư một dự án điện gió công suất 120 MW tại tỉnh Sóc Trăng, đồng thời công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư 2 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió với tổng công suất 5 dự án sau khi hoàn thành khoảng 700MW.

“Công ty cũng đang có những bước đi quan trọng cùng với các Nhà đầu tư và các Tổng thầu nước ngoài chuẩn bị tham gia đầu tư và thi công các dự án điện than và điện khí hóa lỏng LNG tại Việt Nam sẽ khởi công vào cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021”, ông Thanh cho biết.

Cơ cấu tiêu thụ năng lượng theo các quốc gia phát triển và đang phát triển (tỷ lệ %). Nguồn IEA, PSI tổng hợp

Cơ cấu tiêu thụ năng lượng theo các quốc gia phát triển và đang phát triển (tỷ lệ %). Nguồn IEA, PSI tổng hợp

Đánh giá về sự chuyển hướng này của FECON, ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định với những đà chuẩn bị và chiến lược điều chỉnh kinh doanh kịp thời, phát huy tối đa giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mở rộng lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn đáp ứng chuẩn xu hướng thị trường và FCN là cổ phiếu có triển vọng trong trung và dài hạn.

PSI phân tích nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam trong các năm tới sẽ liên tục tăng mạnh để đáp ứng tiêu thụ sinh hoạt và sản xuất. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện sẽ cần phải gia tăng thêm khoảng 83.000 MW nguồn điện mới được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030.

Theo PSI, trên thế giới hiện nay, xu hướng dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch để bảo vệ môi trường, đáp ứng phát triển kinh tế bền vững đang ngày càng gia tăng và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế trên. Thêm vào đó, Việt Nam lại có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có thể phát triển đa dạng các nguồn năng lượng sạch từ khí hóa lỏng, điện gió, điện mặt trời…

Theo Diễn đàn doanh nghiệp